.png)
Ngày lễ Phật Đản được tổ chức vào rằm tháng 4 âm lịch hằng năm, là ngày để kỷ niệm Đức Phật Thích Ca ra đời. Trong mùa này, mọi người thực hiện những lễ nghi cao đẹp để hướng về đức Phật với lòng thành tâm nhất.
1. Nguồn gốc Lễ Phật Đản
Đức Phật Thích Ca đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni thuộc xứ Ca Tỳ La Vệ, được gọi là Thái tử Tất Ðạt Ða (hay Sĩ Ðạt Tha), con của đức vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia. Ngài lớn lên trong hoàng cung, vâng lệnh song thân lập gia đình với công chúa Gia Du Ðà La, và hạ sinh Thái tử La Hầu La.
Trong các chuyến xuất cung du ngoạn ngoại thành, Ngài chứng kiến các cảnh: sinh, lão, bệnh, tử trong nhân gian. Từ đó, Ngài luôn luôn trầm tư mặc tưởng, muốn tìm phương tự độ và cứu giúp chúng sinh thoát khỏi cảnh trầm luân sinh tử, cho nên Ngài lìa bỏ hoàng cung, lên đường tìm đạo giải thoát. Sau sáu năm tu khổ hạnh ở chốn rừng già, và 49 ngày đêm ngồi thiền định dưới cội cây bồ đề, tâm trí thanh tịnh, Ngài hoát nhiên giác ngộ, thành Phật, thành bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác, vào năm Ngài được 30 tuổi.
Sau đó, Ngài đi khắp nơi thuyết pháp, đem chân lý giác ngộ giảng dạy cho mọi người trong 50 năm ròng rã, và Ngài thị tịch, nhập Niết bàn, năm 80 tuổi tại khu rừng ta la song thọ. Chính vì thế, lễ Phật đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, ở các nước theo đạo Phật là để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.
2. Ý nghĩa Lễ Phật Đản
Theo truyền thống Đại lễ Phật đản ở Việt Nam được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính. Sau khi đất nước thống nhất, Giáo Hội Phật giáo Việt nam được thành lập từ năm 1981 đến nay, hàng năm Đại lễ Phật đản được tổ chức vào đúng ngày rằm tháng 4 âm lịch, với lễ đài tổ chức Đại lễ trang trọng để dâng hương tưởng nhớ, tôn kính Đức Phật; lễ tắm Phật Thích Ca sơ sinh với sự cầu mong thân thể và tâm hồn trong sạch khi được dòng nước thơm và trong lành gột rửa. Lễ tắm Phật với sự tham dự của các cấp chính quyền và tăng, ni, phật tử.
Ngoài các nghi lễ trên Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành còn tổ chức xe hoa diễu dành trên các đường phố, các chùa làm lễ phóng sinh, thả hoa đăng trên sông, hồ, tổ chức văn nghệ, thuyết giảng Phật pháp, trang trí đèn lồng và cờ Phật giáo ở các chùa,… Trước và trong dịp Đại lễ, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành, các chùa, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, Phật tử có uy tín, có công lao với Đạo pháp hoặc những gia đình Phật tử có thành tích trong xây dựng Phật pháp, xây dựng địa phương,… thực hiện ghi công, tri ân và báo ân theo tinh thần Phật giáo.
3. Mâm cỗ cúng lễ Phật Đản Sanh
Vào ngày lễ Phật Đản phải kiêng kỵ việc sát sinh. Nên hầu hết các gia đình đều phải làm những món ăn chay làm mâm cỗ dâng thờ cúng ông bà tổ tiên, thần linh, thần Phật. Mong muốn được phù hộ những điều bình an, may mắn trong cuộc sống. Mâm cỗ cúng lễ Phật Đản thường sẽ gồm các vật phẩm sau:
- Hoa: nên chọn hoa tươi cúng Phật. Có thể chọn những bông hoa cúc hoặc hoa hồng để cúng.
- Hương (nhang): chuẩn bị 3 nén nhang.
- Trầu cau: rửa sạch, để ráo hoặc lấy khăn giấy sạch lau khô trước khi đặt lên mâm cỗ thờ cúng.
- Nước sạch: vật dụng chén/ly dùng để đựng nước sạch cần phải rửa thật kỹ. Sau đó lau khô rồi rót một chén nước. Lưu ý không nên rót quá đầy chén có thể bị tràn ra ngoài.
- Mâm ngũ quả: sẽ tùy vào từng vùng miền và điều kiện của mỗi gia đình. Mà lựa chọn các loại trái cây có màu sắc khác nhau. Đại diện cho ngũ hành, dâng thờ cúng tổ tiên.
- Mâm cỗ chay: vì không được sát sinh trong ngày Phật Đản. Nên các gia đình chỉ có thể làm mâm cỗ với những món chay cúng Phật, thần linh.
Theo nghi thức như tại chùa, thả cá phóng sanh, làm công quả. Bên cạnh đó, trong ngày lễ Phật Đản, các Phật tử cũng phải chú ý những điều kiêng kỵ. Như: Kiêng sát sinh, thận trọng lời ăn tiếng nói, không nói tục chửi bậy…
4. Văn khấn mừng lễ Phật Đản rằm tháng 4
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Tình thương mà Ngài đã đánh thức chúng con trên mọi nẻo tăm tối khổ đau.
Tình thương mà Ngài đã đánh thức chúng con thật cần thiết để giữ yên cho thế giới khỏi biến thành biển lửa chiến tranh thù hận.
Kính lạy Đức Thế Tôn: Đã đến lúc ánh sáng của ngọn đèn chánh pháp phải được vận dụng một cách trịnh trọng để xua tan bóng đêm tà kiến đang bao phủ nhân loại. Đã đến lúc tiếng chuông từ bi phải được lắng nghe một cách tha thiết. Để mọi trái tim cùng nhịp đập yêu thương. Xây dựng tình người để thế giới mãi xanh màu hạnh phúc.
Kính lạy Đức Thế Tôn: Sức mạnh mà Ngài đã khơi dậy trong chúng con thật có hiệu lực và hiệu lực mãi trước một thế giới quá nhiều bạo động và mâu thuẫn. Từ trong đại bi tâm Ngài xuất hiện như một sứ giả hòa bình. Mang thông điệp tình thương đến cho cuộc đời thông qua con đường hóa giải, sức mạnh nội tâm đã giúp chúng con vượt qua mọi thử thách để tự chủ. Những lời dạy của Ngài thật thiết thực và hữu ích đã có giá trị suốt 2641 năm và sẽ còn giá trị mãi mãi.
Kính lạy Đức Thế Tôn: Nhân mùa đản sanh của Ngài, chúng con thành kính hái đóa vô ưu thanh khiết dâng lên cúng dường bậc vô thượng giác. Đấng Thiên Nhơn Sư như là tặng phẩm cao quý nhất xin dâng tặng cho cuộc đời với cầu nguyện chân thành tha thiết. Mong cho cuộc đời mãi mãi được an vui, hạnh phúc. Người người gặp nhau nhìn nhau với tất cả tấm lòng thương yêu trọn vẹn.
Xin cho khói trầm thơm, kết thành mây năm sắc. Dâng lên khắp mười phương, cúng dường vô lượng Phật, vô lượng chư Bồ Tát. Cùng các thánh hiền tăng, trên pháp giới dung thông, kết đài sen rực rỡ. Nguyện làm kẻ đồng hành, trên con đường giác ngộ. Xin mọi loài chúng sanh, từ bỏ cõi lãng quên, theo đường giới định tuế, quay về trong tỉnh thức.
Nam mô A Di Đà Phật.
.png)
.png)
Văn khấn lễ Phật Đản tại nhà
Bình luận