Hữu duyên

0964 016 498

Tài Khoản

Văn Khấn Các Lễ Cúng Dường

Cúng dường là hoạt động của các tăng nhân, phật tử trong các ngày lễ của đạo Phật hay do các tăng nhân, phật tử tự tổ chức thực hiện để tỏ lòng thành kính đối với Đức Phật, chư Phật, chư Bồ Tát. Cúng dường cũng là một phương pháp tu tập theo quan niệm của đạo Phật. Mục đích của hoạt động này là tích đức, tích phước báu về sức khỏe, phúc thọ, trí tuệ với mong muốn có được hạnh phúc, an vui trong cuộc đời.

1. Cúng dường là gì?

Cúng dường hay cung dưỡng theo quan điểm của đạo phật là hình thức công đức các lễ vật như thức ăn, hoa, hương, nhang, đèn, kinh sách, giáo thuyết,… dâng lên các chư Phật, chư Bồ Tát để tỏ lòng biết ơn. Cũng giống như việc biết ơn và cung kính đối với gia tiên, đối với các bậc phụ mẫu của con cháu trong gia đình, học trò thể hiện lòng kính trọng đối với thầy cô giáo.

Cúng dường là hoạt động của các tăng nhân, phật tử trong các ngày lễ của đạo Phật hay do các tăng nhân, phật tử tự tổ chức thực hiện để tỏ lòng thành kính đối với Đức Phật, chư Phật, chư Bồ Tát. Cúng dường cũng là một phương pháp tu tập theo quan niệm của đạo Phật. Mục đích của hoạt động này là tích đức, tích phước báu về sức khỏe, phúc thọ, trí tuệ với mong muốn có được hạnh phúc, an vui trong cuộc đời.

Cúng dường là gì? Cách cúng dường để sinh ra nhiều phước báu nhất

2. Ý nghĩa của việc cúng dường

Theo quan điểm của Phật giáo, cúng dường để giảm bớt lòng tham của con người. Việc cúng dường là cho đi để tỏ lòng thành kính. Trong khi lòng tham chính là một trong những trở ngại lớn nhất trong việc giác ngộ đạo Phật. Về nhân quả, việc cúng dường giúp con người vượt qua sự ích kỷ, mở rộng tấm lòng. Từ đó, được nhiều người yêu quý, tích phúc đức cho đời sau. Trong kinh tăng chi bộ, có ba phần thuộc về người bố thí: ” Một là trước khi bố thí, ý được vui lòng. Hai là trong khi bố thí, tâm được tịnh tín. Ba là sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ”.

Ngoài ra, ý nghĩa thực tiễn cho thấy việc cúng dường giúp công sức đóng góp vào việc xây dựng cơ sở vật chất, tu sửa chùa chiền và nơi ăn ở của các chư Tăng. Việc cúng dường vừa là tự nguyện, tự thân vừa là trách nhiệm của một phật tử khi thực hiện sự nghiệp tu học của mình.

Tại sao nói: Tài sản cúng dường lên Tam Bảo chỉ có chư Tăng mới có ...

Như vậy, việc cúng dường mang lại ý nghĩa về vật chất và tinh thần to lớn trong đạo Phật. Cúng dường là hình thức tạo công đức mà tất cả phật tử hay một người bình thường có thể thực hiện nhằm tích phúc. Việc cúng dường về ý nghĩa thực tế cũng là một hình thức từ thiện, đối với ý nghĩa tinh thần thì giúp mở rộng thiện tâm, mở rộng lòng thành, thanh lọc cái ích kỷ, tiêu cực trong mỗi con người, giúp cho con người đạt được sự hạnh phúc, yên bình.

3. Cách cúng dường am bảo

Cúng dường tam bảo là cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng. Các vật phẩm sử dụng trong nghi thức cúng dường là nước, nhang, đèn, dầu, hoa tươi và đồ chay.

3.1. Cúng dường Phật bảo

Trong cúng dường Phật bảo, các phật tử sử dụng những vật phẩm thanh tịnh như thực vật, hương hoa để thể hiện lòng thành kính đối với Đức Phật khi người đã tìm ra con đường giải thoát, phổ độ chúng sinh. Một số vật phẩm nên dùng là: hương, đèn dầu, hoa tươi, trái cây, nước trong hoặc đồ ăn chay thanh đạm.

3.2. Cúng dường Pháp bảo

Pháp được hiểu là những lời dạy của Phật, có mục đích phổ độ chúng sinh, giúp con người thoát khỏi bể khổ, trầm luân. Phật Pháp hiện nay còn được lưu giữ qua Tam Tạng Điển Kinh, việc tìm hiểu, học và nghiên cứu Phật Pháp là việc quan trọng đối với các Phật tử, giúp họ có thể hiểu, giác ngộ và giải thoát.

Kinh Phật hay những giáo lý của Phật giáo đều hướng con người đến sự giải thoát khỏi phiền não, đau khổ trong cuộc đời. Việc cúng dường pháp là việc trao nhau, truyền tay nhau giáo Pháp: Ấn tống kinh sách, băng đĩa, chia sẻ Phật pháp, thực hành lời Phật dạy. Cao hơn nữa là giảng giáo Phật pháp, viết sách, phiên dịch các bộ Kinh Phật cho người khác.

3.3. Cúng dường Tăng bảo

Cúng dường là gì? Ý nghĩa và cách cúng dường Tam Bảo

Hình ảnh cúng dường Tăng bảo

Tăng sĩ là người tu hành của đạo Phật, sống trong sạch, gạt bỏ tham, sân, si; có tâm cao thượng, giữ gìn giới luật. Chư tăng là đại diện truyền lại giáo Pháp cho các Phật tử, phụng sự Phật và các phật tử. Việc cúng dường tăng bảo được thực hiện bằng việc công đức các loại thức ăn thanh đạm, thuốc thang, y phục, ngọa cụ. Hiện nay, việc cúng dường các chư Tăng được thực hiện dưới nhiều phương thức khác nhau nhưng mục đích vẫn nhằm tích phúc đức, thể hiện lòng thành đối với những người phụng sự Đức Phật, truyền bá giáo Pháp cho các Phật tử.

4. Lễ cúng dường tổ chức như thế nào?

Như đã đề cập ở trên, cúng dường thường được tổ chức vào các ngày lễ của Phật giáo hoặc do các Tăng sĩ, Phật tử tổ chức nhằm thể hiện lòng thành kính đối với Đức Phật và tích nhiều công đức. Việc cúng dường được tổ chức tại Chùa hoặc tại nhiều địa điểm, khu vực trong cùng một buổi lễ. Ở phái Nam Tông việc cúng dường Tăng bảo phổ biến ở hình thức khất thực, tức là các chư Tăng sẽ di chuyển nhiều nơi để nhận tấm lòng thành của các Phật tử.

Phật giáo cũng không có những nghi thức cụ thể về việc tổ chức cúng dường. Chính vì thể, nhiều trường hợp việc cúng dường được thực hiện chưa đúng với mục đích của Đạo Phật, nhiều người lợi dụng lòng tin của Phật tử thực hiện việc cúng dường vừa trái với quy định định Phật giáo vừa trái với đạo đức. Do đó, mỗi chư Tăng, Phật tử cần hiểu rõ lời dạy của Đức Phật trong việc cúng dường để tránh làm trái với mục đích, ý nghĩa của công đức.

5. Nghi thức cúng dường Đức Phật

(Thắp đèn đốt hương, đứng ngay ngắn, chắp tay ngang ngực, chủ lễ mật niệm)

CHÚ TỊNH PHÁP GIỚI
Án lam xoa ha. (3 lần)

CHÚ TỊNH TAM NGHIỆP
Án ta phạ bà phạ,
truật đà ta phạ,
đạt mạ ta phạ,
bà phạ truật độ hám. (3 lần)

(Thắp 3 cây hương, quì ngay thẳng, dâng hương ngang trán, chủ lễ niệm)

CÚNG HƯƠNG
Nguyện đem lòng thành kính
Gởi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ Đạo
Theo tự tánh làm lành
Cùng pháp giới chúng sanh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ Đề kiên cố
Xa bể khổ nguồn mê
Chóng quay về Bờ Giác  (1 tiếng chuông, xá 1 xá)

CẦU NGUYỆN
Hôm nay đệ tử chúng con
phụng trì di giáo Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
một dạ chí thành, thiết lễ CÚNG NGỌ,
ngưỡng mong Tam Bảo chứng minh và gia hộ cho chúng con,
đương đời phiền não dứt sạch, nghiệp chướng tiêu tan,
mạng vị bình an, thân tâm thường lạc,
và tất cả chúng sanh một thời đồng chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Nam Mô Tiêu Tai Giáng Kiết Tường Bồ Tát.  (3 lần, 1 tiếng chuông, xá 1 xá)

(Cho Cầu Siêu)

Nay có Phật tử tên là……………………..
thệ thế ngày…………………………………
chúng con một dạ chí thành, ngưỡng cầu Tam Bảo,
Từ Bi gia hộ cho hương linh, phát tâm Bồ Đề rộng lớn,
dứt sạch nghiệp chướng sâu dày, được sanh về thế giới an lành.
Nam Mô Tiếp Dẫn Hương Linh A Di Đà Phật tác đại chứng minh.
(1 tiếng chuông, xá 1 xá, đứng dậy)

KHEN NGỢI PHẬT
Đấng Pháp Vương vô thượng
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy dạy khắp trời, người
Cha lành chung bốn loài
Quy y tròn một niệm
Dứt sạch nghiệp ba kỳ
Xưng dương cùng tán thán
Ức kiếp không cùng tận  (1 tiếng chuông, xá 1 xá)

QUÁN TƯỞNG PHẬT
Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới đế châu ví đạo tràng
Mười phương Phật hiện hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.  (1 tiếng chuông, xá 1 xá)

ĐẢNH LỄ
Chí tâm đảnh lễ:
Nam Mô tận hư không biến pháp giới
quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật,
Tôn Pháp Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. (1 tiếng chuông, lạy 1 lạy)

Chí tâm đảnh lễ:
Nam Mô Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật,
Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát,
Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát,
Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát,
Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát. (1 tiếng chuông, lạy 1 lạy)

Chí tâm đảnh lễ:
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật,
Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát,
Đại Thế Chí Bồ Tát,
Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát,
Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (1 tiếng chuông, lạy 1 lạy)

TAN HƯƠNG CÚNG PHẬT
Hương trầm vừa đốt
Thơm ngát mười phương
Thành kính cúng dường
Mười phương Tam Bảo.

Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát.  (3 lần, 1 tiếng chuông, xá 1 xá)

KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT
NAM MÔ BÁT NHÃ HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT  (3 lần, 1 tiếng chuông)

Khi Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát thực hành sâu xa pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa,
Ngài soi thấy năm uẩn đều không, qua hết thảy khổ ách.
“Này Ông Xá Lợi Phất, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như thế”.
“Này Ông Xá Lợi Phất, ‘tướng không của mọi pháp’ không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt, nên trong ‘chân không’, không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới, không có vô minh, cũng không có cái hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có cái hết già chết, không có khổ, tập, diệt, đạo, không có trí huệ, cũng không có chứng đắc.
Vì không có chỗ chứng đắc, nên Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại, nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo, mộng tưởng, đạt tới cứu cánh Niết Bàn.
Chư Phật trong ba đời cũng y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Nên biết Bát Nhã Ba La Mật Đa là Đại Thần Chú, là Đại Minh Chú, là Vô Thuợng Chú, là Vô Đẳng Đẳng Chú, trừ được hết thảy khổ, chân thật không hư”.
Vì vậy, liền nói Chú Bát Nhã Ba La Mật Đa:
“Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”. (1 tiếng chuông)

(Đại chúng đồng quì để tụng Cúng Dường)

CÚNG DƯỜNG
Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Phật
Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Pháp
Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Tăng
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật
Nam Mô Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật
Nam Mô Thập Phương Tam Thế Nhứt Thiết Chư Phật
Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát
Nam Mô Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát
Nam Mô Già Lam Thánh Chúng Bồ Tát
Nam Mô Lịch Đại Tổ Sư Bồ Tát
Nam Mô Đạo Tràng Hội Thượng Phật Bồ Tát.  (1 tiếng chuông)

Nam mô tát phạ đát tha,
nga đa phạ lồ chỉ đế,
án tam bạt ra,
tam bạt ra hồng. (3 lần, 1 tiếng chuông)

Nam mô tô rô bà da,
đát tha nga đa da,
đát điệt tha,
án tô rô tô rô, bát ra tô rô,
bát ra tô rô, ta bà ha. (3 lần, 1 tiếng chuông)

Thức ăn tươi tốt nầy
Trên, cúng dường chư Phật
Cùng các Hiền Thánh Tăng.
Dưới, tất cả chúng sanh
Trong sáu nẻo ba đường
Với tâm thành hiến dâng
Cầu mong được bảo mãn.  (1 tiếng chuông)

Án, nga nga nẳng tam bà,
phạ phiệt nhựt ra hồng. (3 lần, 1 tiếng chuông)

PHÁP NGỮ CÚNG PHẬT
Con nay dâng cúng Cam Lồ
Sắc hương mỹ vị biến đầy hư không
Thành tâm tha thiết ngưỡng mong
Đức Từ nạp thọ tấc lòng kính dâng.

(Đứng lên, đồng niệm câu dưới đây, 1 tiếng chuông, đồng lạy 3 lần)
Nam Mô Phổ cúng dường Bồ Tát.

Cúng Phật đã xong
Cầu cho chúng sanh
Trọn nhờ Pháp Phật
Thể nhập Chân Như  (1 tiếng chuông)

(Chỉ chủ lễ phục nguyện)

PHỤC NGUYỆN
(Nếu cúng Ngọ trong dịp lễ Cầu An, nên phục nguyện Cầu An, trong dịp lễ Cầu Siêu nên phục nguyện Cầu Siêu, hay tùy mỗi trường hợp)

(Cho Cầu An)

Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật tác đại chứng minh.  (1 tiếng chuông)
Hôm nay chúng con một dạ chí thành,
trì tụng Kinh, Chú, niệm Phật công đức,
cầu nguyện cho Phật tử ……………
Pháp danh:…………….
đương đời phiền não dứt sạch, nghiệp chướng tiêu tan,
tật bịnh bình an, thân tâm thường lạc,
gia đình thịnh đạt, hưởng cảnh an nhàn,
thiên thượng nhân gian, đều thành Phật quả. (1 tiếng chuông)

(Đồng niệm)
Nam Mô A Di Đà Phật.

(Cho Cầu Siêu)
Xe Tam Thừa lộng lẫy, Thuyền Bát Nhã thênh thang,
sáu đường dốc ngược đèo ngang, ba cõi sông mê lặn hụp,
thảm nỗi oan khiên lắm lúc, hương linh không đủ sức vãng sanh.
Nguyện hương linh:……………
nay được an lành, nghe kinh kệ siêu thăng Tịnh Độ,
vượt qua bể khổ, thoát khỏi Ta Bà,
sen vàng chín phẩm nở hoa, pháp thân hiện Di Đà thọ ký.
Âm siêu dương thới, pháp giới chúng sanh đồng thành Phật quả. (1 tiếng chuông)

(Đồng niệm)
Nam Mô A Di Đà Phật.

TAM QUY
Con nương theo Phật, cầu cho chúng sanh
Tin chắc Đạo cả, phát lòng vô thượng.  (1 tiếng chuông, lạy 1 lạy)

Con nương theo Pháp, cầu cho chúng sanh
Thấu rõ kinh tạng, trí huệ như biển.  (1 tiếng chuông, lạy 1 lạy)

Con nương theo Tăng, cầu cho chúng sanh
Kính tín hòa hợp, tất cả không ngại.  (1 tiếng chuông, lạy 1 lạy)

Bình luận

Top